Thứ Ba, 18 tháng 8, 2009

tấm ván phóng dao ( Mạc can)


TẤM VÁN PHÓNG DAO Tiểu thuyết của Mạc Can Giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội nhà văn 2005 Nhà xuất bản Hội nhà văn (2005) 65 Nguyễn Du - Hà Nội Tel & Fax: 8222135
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nguyễn Phan Hách
Chịu trách nhiệm bản thảo: Nguyễn Khắc Trường
Biên tập: Lê Minh Khuê
Vẽ bìa: Trần Đại Thắng
Sửa bản in: Minh Phước
Mạc Can Tấm ván phóng dao

Phần 1
Không có gì làm cho tôi sợ hơn là cơn mưa lúc nửa đêm, vì với tiếng tôi, nhìn giọt mưa rơi long lanh, nghe tiếng mưa rì rào, tí tách, chẳng khác nào những lời thì thầm bên tai, nhắc nhở lại quá nhiều nỗi buồn, của cuộc đời đã qua. Ai có tới một chợ quê, trong cảnh tha phương cầu thực với các gánh hát nghèo mới biết, mưa cầm chân người mua vui ở nhà, mưa làm cho sân khấu phông màn buông rũ buồn hiu. Con hát đói lạnh, không biết ngày mai sẽ ra sao, mà vốn liếng nào có gì cho cam, ngoài một giọng hát, hay một trò xiếc, trên hai bàn tay trắng. Mưa rơi lộp độp trên mái lá nhà lồng chợ vắng tanh, chợ không người, sân khấu không ánh đèn, không khán giả, buồn ai oán, chung quanh mờ mịt gió nước, tiếng ếch nhái ồm ộp, một lúc vang vang, một lúc lặng thinh. Tiếng mưa rơi hoài, não ruột suốt canh thâu, tôi thao thức mòn mỏi cho tới khi thiếp đi, bàn tay lạnh vô tình đưa lên khuôn mặt không thể nào gột sạch dấu phấn trắng, chì đen, son đỏ. Đôi mắt sâu thăm thẳm lấy đêm làm ngày, trong mưa, từ cõi nào vẳng lại tiếng cầu kinh hoang mang, dàn đồng ca của kiếp côn trùng nơi bùn lầy nước đọng không khác gì cuộc đời những người hát rong! Tôi chợt thức dậy ngu ngơ, phải một lúc mới nhớ mình đang ở đâu, tôi đang ngồi trên cái giường của tôi, một tấm ván đầy vết dao, những vết thương không bao giờ lành, đau đớn, ẩm ướt. Ngoài kia, một khoảng không gian u ám, bỗng có vài ánh đèn dầu tù mù, tiếng người thì thầm, chợ quê nhóm lúc nào, người ta gọi là chợ ma, trời chưa sáng chợ đã vội tan, còn một mình tôi trơ trọi ngơ ngác, mộng du nửa thức nửa ngủ, tôi đi, mơ hồ giữa trời đêm, đứng nhìn về phía nhà lồng chợ, nơi gánh hát rong của gia đình tôi mới tới chiều nay. Cơn mưa làm cho tấm bảng quảng cáo hình nhân nhạt nhoà, loang lổ, mưa cũng làm cho tấm bảng hiệu Nghệ Tinh, tên gánh hát nghèo của cha tôi hoen úa đi, mà cũng mưa khiến cho cả nhà đói meo như vầy đây, cha mẹ tôi cứ mãi lang bang, chúng tôi không có tương lai, sống rày đây mai đó, biết khi nào có một mái nhà, được về nhà. Cuối trời một màu mây biếc, màu tím pha chút xanh lam lạnh nhạt, lúc sau ủng hồng một ngày mới, trên những chiếc lá non còn long lanh giọt nước mưa khuya, còn ngày hôm qua ư, đã chết đi rồi. Tôi rất thích những buổi sáng tinh sương, mọi vật như ngưng lại, hay là chưa bắt đầu cho những xôn xao, tâm hồn con người ta cũng chợt bâng khuâng yêu mến cuộc sống hơn, yêu người và mọi vật chung quanh hơn. Buổi sáng nào, ở đâu, nơi tôi ngang qua cũng đượm buồn, còn hơn là vậy nơi đây vắng người. Tôi chợt thấy cha tôi, tướng ông nho nhỏ thấp lùn, cái lưng tôi cũng gù gù cực nhọc như ông, ông chầm chậm bước ra khỏi nhà lồng chợ, điếu thuốc đen trên môi ông cháy đỏ lập lòe. Ông đứng trước chợ, buổi sáng hôm đó, nhìn gánh hát rong tội nghiệp của ông, có lẽ từ đầu hôm tới giờ, hay là suốt nhiều đêm dài trong cuộc đời cha tôi. Ông khó ngủ yên, cha tôi không có gì trong tay ngoài vài trò ảo thuật, và một xác gánh hát tả tơi. Ông đứng bất động một lúc khá lâu. Đó là một người cha hết lòng thương yêu vợ con, một nghệ sĩ tận tuỵ với nghề, đúng nhìn cơ nghiệp mong manh của mình, rã rời sau cơn mưa lúc nửa đêm. Ông xoay người lại và nhìn thấy con của ông, cho tới khi nào tôi xa lìa khỏi cõi đời này, tôi không bao giờ dám quên giây phút đó. Cha tôi bước trên con đường thật đắng, mờ mờ sáng. Ông tới gần tôi, tôi chợt thấy tóc ông đã nhuốm bạc, chúng tôi cùng bước đi bên nhau, từ khi tôi chào đời cho tới khi tôi lớn lên, lần đầu tiên Cha tôi ở gần tôi, vuốt tóc tôi. Ông không nói gì với tôi, điếu thuốc lá đen vẫn ở trên môi ông, cho tới khi trời rạng, hai cha con trở về nhà lồng chợ. Hơn ba chục năm sau, trong một gánh hát khác, tôi có dịp trở lại chợ Sài Đôi, một sáng tôi bước trên con đường này, khung cảnh khác xưa biết là bao, sung túc hơn, nhà lồng chợ khang trang hơn, có một nhà hát bề thế hơn, tôi nhớ Cha Má tôi bằng tất cả tấm lòng của người con, nhờ Cha con có một nghề để sống, làm vui cho nhiều người như Cha. *** Tôi sinh ra trên một dòng sông, mái nhà của gia đình tôi là mui một chiếc ghe nhỏ. Cha tôi một người hát rong, sống lưu linh lưu địa. Ông có tánh hào phóng vô lo, lại khá nóng nảy. Nói như ông nội tôi thì... nếu trong lu của Cha tôi chiều nay còn chút gạo, ngày mai hẵng tính, gạo chợ nước sông, trên bến dưới thuyền, cá mắm tôm cua vùng lục tỉnh Nam Bộ bên cạnh con người. Còn Má tôi là một người đàn bà bình dân, vui tánh, bà không biết một chữ cái, đổi lại nhiều trí tưởng tượng, bà hay kể về tôi: - Thằng này ngộ lắm, mới đẻ nó ra, chút xíu nó đã cười rồi, chắc mụ bà móc miếng nó dạy nó làm hề? Má tôi thích câu nói hài hước này, bởi mỗi lần bà nói xong, ai cũng nhìn tôi lấy làm... lạ, như tôi đây là người từ cung trăng rớt xuống. Tôi quen dần với những nụ cười chung quanh tôi, từ thời thơ ấu cho tới lúc già, tôi sống khác thường với khuôn mặt buồn hiu. Và tôi cũng quen đi với nhiều ngộ nhận, vô cùng bất tiện khi quan hệ với cuộc sống, thói thường vốn vô tâm. Tôi trộm nghĩ: Đầu tiên, sau khi tôi là một phôi thai, tôi là một trái tim nhỏ, lo lắng, hồi hộp, tự thân tôi không thể nghe được nhịp đập của tôi, mà là Má tôi, lần hồi trong một thời gian khá dài tôi mới cảm biết được rằng tôi đang sống trong một thế giới nào đó, chật hẹp. Rồi... một hôm tôi lắng nghe tiếng thì thầm, tiếng người ở một thế giới khác sinh động hơn, nhưng tôi không hiểu họ nói gì, cho tới một buổi chiều, tôi thoát ra khỏi nơi đó, ngay lập tức tôi khóc, vì một vết cắt đau nhói nơi nào trong thân thể tôi, tôi liền mang một vết sẹo để đời, có thể gọi là xấu, mà tôi lại vô tội! Đúng là một nơi xôn xao, vô cùng bất tiện cho tôi, nhiều tiếng động chung quanh tôi, tôi nghe tiếng tôi khóc và tiếng cười của...

2 nhận xét:

  1. “Cuốn này đọc được đấy!” ai muốn download thi pm nha có cả file doc ưma nữa

    Trả lờiXóa